NĂNG QUYỀN CỦA SỰ CẦU NGUYỆN THAY

Đăng ngày: 30/04/2025

Chiều hôm đó, tôi phải tổ chức một cuộc họp rất căng thẳng để xử lý tình huống khẩn cấp: một bạn nhân viên đã vay nặng lãi từ một tổ chức bên ngoài (XHĐ), và bên đó bắt đầu gọi điện liên tục vào số hotline công ty—hàng trăm cuộc mỗi ngày—đe dọa, làm phiền cả sếp tôi.

Trước khi họp, tôi đã trực tiếp gọi cho bên cho vay để xác minh tình hình. Nhưng cuộc gọi đó khiến tôi bức xúc hơn: họ nói chuyện rất mất lịch sự, tráo trở, thậm chí buông những lời xúc phạm rồi ngang nhiên ngắt máy.

Trong cuộc họp, tôi cố gắng hết sức giữ bình tĩnh, làm việc lần lượt với từng người liên quan. Đến khi tôi đề nghị bạn nhân viên viết bản tường trình những gì bạn đã trình bày để làm cơ sở giải quyết thì bạn nhất định không chịu viết. Khi viết xong thì không ký. Khi ký rồi thì lại gạch chéo lên chữ ký.

Tôi bị ức chế. Không phải vì tôi bị đe dọa, không phải vì tôi bị mất tiền. Nhưng vì tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ công ty, bảo vệ cả bạn ấy, và cả sếp tôi—người trực tiếp nghe số hotline đó.

Khi mọi việc tạm xong, tôi nhìn đồng hồ thì đã gần 7h tối. Lớp Kinh nghiệm Chúa bắt đầu lúc 7h, bình thường tôi phải đi từ 6h30. Muộn rồi nhưng tôi vẫn vội vàng đặt xe, thầm nói với Chúa:
“Chúa ơi, con mệt quá, con đến với Chúa đây.”

Ngồi trên xe, đầu óc tôi vẫn nặng trĩu. Tôi cố dặn lòng mình: “Chuyện không phải của mình thì đừng để nó cuốn mình đi.” Nhưng rõ ràng tôi vẫn bị ảnh hưởng.

Đến lớp muộn, tôi nhắn cho chị G hỏi đang ngồi đâu để lên ngồi cùng. Tôi biết nếu ngồi một mình ở cuối lớp, tâm trạng tôi sẽ càng nặng hơn.

Vừa đến chỗ chị, tôi gục vào vai chị nói nhỏ: “Chị ơi, em mệt quá…”
Chị tưởng tôi đói, liền chìa bánh ra: “Chị mang bánh cho em này.”
(Đáng yêu thật, tôi hay được quan tâm như thế đấy!)

Tôi ngồi xuống, cảm thấy lòng dịu lại chút. Nghe cô giáo giảng Lời Chúa, tôi cảm thấy Đức Thánh Linh đang ở trong căn phòng này. Không gian thật ấm áp. Tôi không cần gồng mình nữa, để Chúa làm phần còn lại.

Khi lớp gần kết thúc, chị G quay sang hỏi: “Em đỡ mệt hơn chưa?”
Tôi chỉ nói: “Chị ơi… em cần được cầu nguyện.”

Và đến phần cầu nguyện của Mục sư, tôi bắt đầu rơi nước mắt. Mọi sự căng thẳng như được xả ra từng chút.

Khi buổi học kết thúc, chị G kéo tôi ra ngoài và bảo: “Kể chị nghe đi, chuyện gì xảy ra với em vậy?”

Tôi kể lại mọi việc. Mọi người trong Hội thánh tôi cũng lại gần, nghe tôi chia sẻ. Cuối cùng, mọi người bảo tôi ngồi xuống và họ đã đặt tay cầu nguyện cho tôi.

Lúc đó, tôi thấy thật nhẹ lòng. Những cảm xúc tiêu cực như được tan đi.

Sau lớp học, tôi cùng ba bạn khác đi ăn đêm. Trong lúc trò chuyện, tôi mở điện thoại ra thì thấy câu Kinh Thánh của ngày hôm đó hiện lên: “Hãy thương xót những kẻ hay nghi ngờ.” (Giu-đe 1:22)

Tôi dơ màn hình cho bạn N bên cạnh xem, và nói: Có lẽ Chúa đang nhắc mình. Bạn nhân viên ấy có thể đang sợ hãi, nghi ngờ công ty sẽ làm lớn chuyện, sẽ báo công an… nên phản ứng theo cách phòng vệ. Bạn ấy đang sợ hãi chứ không phải cố ý chống đối.

Tôi chùng lại. Không còn thấy bức xúc nữa. Thay vào đó là… thấy thương.

Sáng hôm sau, vừa đến văn phòng, tôi đã nhận được tin nhắn:
“Dạ chị ơi, bạn D muốn xin gặp chị 15 phút để xin lỗi về thái độ hôm qua ạ.”
Tôi nhắn lại:
“Uh, em bảo bạn ấy qua phòng chị luôn nhé.”

Bạn ấy bước vào, một thái độ khác hoàn toàn. Câu đầu tiên bạn nói là: “Em xin lỗi chị…”
Tôi nhìn bạn, lòng mềm mại và cảm thấy thương bạn.

Bạn ngồi xuống. Tôi không vội trách, mà bắt đầu hỏi han:
“Giờ em chia sẻ lại từ đầu giúp chị nhé, toàn bộ câu chuyện. Em cứ nói thật, chị không trách gì đâu.”

Bạn bắt đầu kể lại, lần này rất rõ ràng. Còn chủ động đưa cả điện thoại ra cho tôi xem tin nhắn để minh chứng. Tôi chăm chú lắng nghe, rồi hỏi:
“Em có thấy lo không? Em có bị bên đó theo dõi không? Có sợ khi đi đường không?”
Bạn gật đầu.

Tôi dặn kỹ: “Em là con gái, phải rất cẩn thận. Cần thay đổi chỗ ở, hoặc có ai đi cùng thì đi. Họ có thể dùng bất kỳ thủ đoạn nào.”

Rồi tôi hỏi: “Hiện tại em đã gom được bao nhiêu tiền rồi? Nếu em cần công ty hỗ trợ gì thì cứ nói.”

Bạn xúc động. Tôi thấy trong mắt bạn có chút biết ơn, có chút nhẹ nhõm. Tôi chủ động đề nghị một khoản hỗ trợ đặc biệt từ công ty – điều mà bình thường không áp dụng cho nhân viên khác.

Tôi cũng nhẹ nhàng nói với bạn:
“Chị nghĩ tốt nhất là em nên viết đơn nghỉ. Như vậy sẽ giữ được tiếng cho em khi xin việc mới. Chị sẵn sàng viết thư tham chiếu cho em nếu cần.”
Và bạn đồng ý.

Chúng tôi ngồi nói chuyện hơn 2 tiếng, chứ không chỉ 15 phút. Trước khi ra về, bạn cảm ơn tôi. Và tôi cũng cảm ơn Chúa vì đã làm mềm lòng cả hai chúng tôi.

Ngay sau đó, sếp tôi nhắn tin, gửi ảnh hàng loạt cuộc gọi nhỡ và tin nhắn đe dọa từ phía bên kia. Sếp tôi còn bảo hay là cho bạn nhân viên vay (cho) một khoản để trả nợ cho xong đi.

Lúc đó, tôi gọi luôn cho họ. Nhưng điều kỳ lạ là—họ đã rất khác. Giọng tôi rất cứng rắn, yêu cầu không làm phiền công ty nữa, thậm chí tra hỏi lại thông tin của họ, nếu không tôi sẽ báo công an. Họ im lặng một lúc, rồi nói xin lỗi, cảm ơn tôi tới hai lần, và hứa không gọi lại nữa.

Từ sau cuộc gọi đó, mọi sự hoàn toàn yên ắng.
Sếp tôi không bị làm phiền nữa.
Công ty không mất một khoản để “xử lý nhanh” như sếp từng nghĩ.
Tôi cũng không phải mất thời gian làm thủ tục sa thải (vốn khá phức tạp trong trường hợp này).

Và tôi hiểu rằng:
Chúa đã làm điều tôi không làm được.
Chúa đã đi trước tôi, dọn đường cho tôi, thay đổi cả những điều tưởng chừng không thay đổi nổi.

Chúa đã xoay chuyển mọi việc theo một cách không ai ngờ được.
Chúa đưa tôi đến lớp học đúng lúc, dùng các anh chị em để cầu thay cho tôi, dùng Lời Ngài để nhắc nhở, và ban cho tôi sự bình an.

Tất cả bắt đầu từ lời cầu nguyện…
Tôi cầu nguyện. Các anh chị em cầu thay cho tôi. Và Chúa đã nhậm lời, cách đầy yêu thương và nhẹ nhàng.

Hôm đó tôi đã thật sự kinh nghiệm quyền năng của sự cầu nguyện thay – và sự chữa lành đến từ vòng tay của Chúa.

Cảm ơn Chúa. Amen!

0
0
0 0 đánh giá
Đánh giá
guest
0 bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận